Tin Tức

Tỷ lệ Lạm phát Việt Nam năm 2021

14/04/22

Năm 2021, tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam được kiểm soát ở mức thấp. Đây cũng chính là áp lực trong năm 2022 của chính phủ.

Tỷ lệ lạm phát Việt Nam năm 2021 kiểm soát tốt

Tỷ lệ lạm phát năm 2021 ở Việt Nam

Giá xăng dầu, giá gas Việt Nam trong tháng 12/2021 giảm theo giá nhiên liệu thế giới. Năm 2021,  dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nướ. Học phí học kỳ I năm học 2021-2022 tiếp tục được miễn, giảm tại một số địa phương là các nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2021 giảm 0,18% so với tháng trước và tăng 1,81% so với tháng 12/2020.

Bình quân năm 2021, CPI tăng 1,84% so với năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 12 tháng tăng 0,81%.

Năm 2021, trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu ngày càng tăng cao, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giá cước vận chuyển liên tục tăng nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 của Việt Nam chỉ tăng 1,84% so với năm trước, thấp nhất trong 6 năm qua. Đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, tiếp tục là năm kiểm soát lạm phát thành công.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,84% so với năm trước, đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Tốc độ tăng CPI bình quân các năm từ 2016-2021 so với năm trước lần lượt là: 2,66%; 3,53%; 3,54%; 2,79%; 3,23%; 1,84% .Nguyên nhân CPI bình quân năm 2021 tăng trong bối cảnh Covid diễn biến phức tạp

+  Giá gạo tăng 5,79% so với năm trước (làm CPI chung tăng 0,15 điểm phần trăm) do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon tăng trong dịp Lễ, Tết và nhu cầu tích lũy của người dân trong thời gian giãn cách xã hội;

+ Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 7,03% so với năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào (làm CPI chung tăng 0,14 điểm phần trăm);

+ Giá dịch vụ giáo dục tăng 1,87% so với năm trước (làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm) do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.

Để đạt được kết quả trên trong khi đất nước đang hết sức khó khăn bởi tác động của dịch Covid-19 là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các ngành, các cấp đã tích cực triển khai thực hiện những giải pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh và ổn định giá cả thị trường.

Dự báo Lạm phát Việt Nam năm 2022

Bước sang năm 2022, áp lực lạm phát được đánh giá là rất lớn. Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát trong năm 2022, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng lên. Vì thế, lạm phát sẽ chịu tác động của vấn đề tăng giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới như xăng dầu, than và giá cước vận chuyển. Việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. Từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao, tạo áp lực cho lạm phát.

Dự báo lạm phát năm 2022 tại Việt Nam

Bên cạnh đó, giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng sẽ tác động vào giá thực phẩm. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở được tính trong CPI cũng sẽ tăng theo giá nguyên liệu dùng trong xây dựng.

Giá dịch vụ giáo dục tăng trở lại do một số địa phương kết thúc thời gian được miễn, giảm học phí năm học 2021-2022 và ảnh hưởng của việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ giáo dục trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Ngoài ra, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí tăng trở lại cũng tác động không nhỏ tới CPI chung.

Để giúp kiềm chế lạm phát tăng cao trong năm 2022 nhà nước cần có một số biện pháp và thực thi hiệu quả.