Hỏi Đáp

Vì sao phải công chứng các hợp đồng trong giao dịch bất động sản?

23/12/16

Nhiều bạn đọc thắc mắc về việc có phải công chứng hợp đồng khi muốn chuyển nhượng, mua bán nhà đất. Thực tế có nhiều trường hợp mua bán nhà chỉ qua giấy tờ viết tay, khi có tranh chấp xảy ra, hợp đồng này sẽ bị tòa án tuyên bố vô hiệu, người mua nhà có nguy cơ mất trắng cả nhà và tiền bạc, công sức bỏ ra. Trong trường hợp này, nếu hợp đồng đó có công chứng, chứng thực theo quy định thì căn nhà hoàn toàn thuộc quyền sử dụng của người mua mà không lo bị tranh chấp, và nếu có tranh chấp thì sẽ được pháp luật bảo vệ.

Việc công chứng hợp đồng trong một số giao dịch dân sự là bắt buộc nhưng cũng có hợp đồng được công chứng theo yêu cầu của các bên liên quan. Vậy tại sao hợp đồng trong giao dịch bất động sản chúng ta nên công chứng?

Pháp luật hiện hành từ Bộ luật Dân sự đến các luật chuyên ngành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở đều có quy định một số hợp đồng về bất động sản như mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng QSDĐ, QSDĐ và tài sản gắn liền với đất, … bắt buộc phải công chứng.

Về mặt quy định của pháp luật thì các giao dịch về bất động sản được công chứng sẽ đảm bảo về hình thức theo quy định tạo điều kiện để các giao dịch đó tiếp tục được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các bước tiếp theo.

Theo Luật công chứng 2014, hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan, trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.

Việc công chứng các giao dịch về bất động sản mang lại lợi ích cho các bên không chỉ về pháp lý mà còn về kinh tế, thương mại, hạn chế được những ảnh hưởng, thậm chí là phá sản do những hợp đồng, giao dịch dân sự, thương mại tiềm ẩn những rủi ro do không được công chứng.

Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ, những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu. Các hoạt động giao dịch được kiểm soát, hạn chế thất thu về thuế cho Nhà nước, các tranh chấp, khiếu kiện ít xảy ra hơn, giảm gánh nặng cho Tòa án và giúp thị trường bất động sản ổn định hơn rất nhiều.

Về thủ tục, trình tự, chi phí công chứng được niêm yết công khai tại các văn phòng, tổ chức hành nghề công chứng. Theo Luật Đất đai 2013, Luật Công chứng 2014 và Nghị định 23/2015 của Chính phủ thì các hợp đồng, giao dịch liên quan đến việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất do các tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở trên địa bàn cấp tỉnh nơi có đất công chứng hoặc UBND cấp xã nơi có đất chứng thực.

Đối với các địa phương đã thực hiện chuyển giao việc chứng thực thì các hợp đồng, giao dịch liên quan đến việc thực hiện quyền của người sử dụng đất được công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng.

Hơn nữa, chi phí công chứng chỉ là một phần nhỏ so với giá trị tài sản trong quá trình giao dịch, việc công chứng có độ an toàn pháp lý cao hơn so với các hợp đồng không được công chứng. Do đó, trong các giao dịch dân sự nhất là về bất động sản, người dân nên thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật để đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *